Lên phía trên
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải đáp về chế độ chính sách cho giáo viên
Câu hỏi:

(GDVN) - Trước câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về giải quyết những chế độ cho nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục như phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi...vậy giải pháp từ Bộ trưởng tới đâu?

Trả lời:
Trước những băn khoăn của Đại biểu và nhiều nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, đối với chế độ chính sách cho cán bộ quản lý giáo dục thì hiện nay nhà giáo được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở giáo dục được hưởng chế độ lương như giáo viên; chế độ phụ cấp ưu đãi; phụ cấp thâm niên nhà giáo và các phụ cấp, trợ cấp khi công tác ở trường chuyên biệt hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, khi nhà giáo được điều động về làm công tác quản lý, tham mưu, chỉ đạo về giáo dục, dạy nghề ở các cơ quan trung ương và địa phương thì trở thành công chức, chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức và được hưởng lương theo ngạch, bậc và phụ cấp công vụ; đồng thời không hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi của nhà giáo nữa.

Vì mức phụ cấp công vụ thấp hơn phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi của giáo viên, nên làm nảy sinh bất hợp lý và tâm tư của các nhà giáo, nhất là những người được điều động làm cán bộ quản lý.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời nhiều vấn đề liên quan tới chế độ chính sách cho giáo viên.

“Những bất hợp lý này liên quan đến Luật (Luật giáo dục và Luật cán bộ, công chức) nên về lâu dài Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực tham gia xây dựng Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2013-2020 (do Bộ Nội vụ chủ trì) theo chỉ đạo của Chính phủ để giải quyết các vướng mắc, tồn tại của hệ thống thang bảng lương hiện nay, trong đó có vấn đề phụ cấp theo lương của ngành giáo dục”. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay.

Thông tin tiếp, người đứng đầu ngành giáo dục cũng chia sẻ, trong ngắn hạn, căn cứ đề xuất của Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bảo lưu phụ cấp ưu đãi (tối đa 36 tháng) đối với các nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập được điều động về công tác tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo mà không hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Nhiều ý kiến thắc mắc hiện nay cho rằng bảo mẫu ở các trường phổ thông chưa có chính sách lương và bảo hiểm xã hội. Vấn đề này Bộ trưởng Luận thẳng thắn: “Loại hình lao động này chưa có trong danh mục vị trí việc làm cũng như định danh trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, và vì vậy, chế độ làm việc và chính sách đối với các đối tượng này được thỏa thuận và thực hiện thông qua hợp đồng lao động giữa cơ sở giáo dục và người lao động.

Các cơ sở giáo dục thực hiện chính sách cho người lao động làm nhiệm vụ bảo mẫu từ nguồn thu hợp pháp của mình và nguồn ngân sách hỗ trợ của địa phương (nếu có), nên có sự khác biệt giữa các địa phương, giữa các cơ sở giáo dục”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, hiện nay, thực hiện Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/04/ 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ khảo sát xây dựng tiêu chuẩn chức danh viên chức ngành giáo dục, xác định vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập để thống nhất thực hiện, trong đó dự kiến có loại hình lao động này.

Ngoài ra, theo phản ánh chế độ chính sách đối với giáo viên trường chuyên biệt cũng bị đối xử chưa công bằng, Bộ trưởng Luận giải đáp, để đảm bảo quyền lợi của giáo viên chuyên biệt này thì trong thời gian qua nhà nước đã ban hành một số chính sách mang tính đặc thù như định mức số tiết giảng dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú cấp trung học cơ sở là 17 tiết/tuần (giáo viên trung học cơ sở công lập là 19 tiết/ tuần); giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học là 21 tiết/tuần (giáo viên tiểu học công lập là 23 tiết/tuần).

Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường năng khiếu thể dục thể thao, trường năng khiếu nghệ thuật, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 50% mức lương hiện hưởng;

Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật và trường giáo dưỡng được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 70% mức lương hiện hưởng (nhà giáo giảng dạy ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông được hưởng mức phụ cấp 30% hoặc 35%; nhà giáo ở các trường mầm non, tiểu học được hưởng mức phụ cấp 35% hoặc 40%).

Ngoài ra nhà nước cũng quy định, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt  được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 mức lương tối thiểu. Nhà giáo công tác ở các trường chuyên biệt được trợ cấp tham quan, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, được hỗ trợ tiền mua tài liệu để học tập và hỗ trợ 100% tiền học phí và tiền đi lại.
Lên phía trên
Chế độ giáo viên
Câu hỏi:

Anh Nguyễn Phước Lập, giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Thới, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang hỏi: Trong thời gian qua tôi thấy tỉnh ta ra nhiều công văn về chế độ cho ngành giáo dục rất có ích như; khen thưởng, hướng dẫn các hội thi, dạy thêm giờ...Nhưng tôi thấy nó có gì đó còn thiếu, còn chưa thật cụ thể. Tình cờ tôi thấy được một công văn của tỉnh bạn cũng rất hay, tôi gửi đến quý đại biểu xem thử. Tôi cũng xin hỏi quý đại biểu tỉnh ta thực hiện giống như công văn tỉnh bạn được không ? vì sao được ? vì sao không được ? Mong quý đại biểu trả lời sớm, cám ơn nhiều!!!

Trả lời:

Công văn hướng dẫn mà anh đã nêu ở phần trên chính là Hướng dẫn số 1033/SGDĐT- STC ngày 25/7/2011 của Liên Sở Giáo dục và Đào tạo-Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang ban hành nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chính sách, chế độ có liên quan đến giáo viên và các hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo, văn bản này dựa trên cơ sở (căn cứ) 03 Thông tư của Bộ, ngành Trung ương gồm:

1-Thông tư Liên tịch số 49/2007/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 18/5/2007;

2-Thông tư Liên tịch số 50/2008/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 09/9/2008;

 3-Thông tư số 28/2008/ TT-BGDĐT ngày 21/9/2009. Các Thông tư này là văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành Trung ương ban hành và là chế độ được thực hiện thống nhất trong toàn quốc nên các địa phương đều phải chấp hành thực hiện hoặc cụ thể hóa để triển khai thực hiện, tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành các văn bản gồm:

 

1- Quyết định số 1204/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh Kiên Giang cụ thể hóa Thông tư Liên tịch số 49/2007/TTLT/BTC-BGDĐT về việc quy định mức chi cho công tác ra đề thi, tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi và thi tốt nghiệp phổ thông. Thông tin thêm là hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã ra Thông tư mới, số 66/2011/TTLT-BGDĐT-BTC thay thế cho Thông tư Liên tịch số 49/2007/TTLT/BTC-BGDĐT đã hết hiệu lực và Sở Giáo dục và Đào tạo đang trình UBND tỉnh ban hành văn bản mới.

 

2- Hướng dẫn số 250/SGD&ĐT-KHTC ngày 15/10/2008 của Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo Thông tư Liên tịch số 50/2008/TTLT-BGDĐT- BNV-BTC ngày 09/9/2008;

3- Thông tư số 28/2008/TT-BGDĐT ngày 21/9/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì đã rất cụ thể, rõ ràng và tỉnh đã triển khai thực hiện đúng chế độ của Thông tư không ban hành văn bản gì hướng dẫn thêm.

 

Ngoài ra, Sở Giáo dục và đào tạo còn ban hành nhiều văn bản hoặc tham mưu trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản có liên quan đến chế độ, chính sách đối với giáo viên trong thời gian qua, anh có thể liên hệ với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị để tìm hiểu thêm, xin cảm ơn anh!

Nguyễn Văn Mau - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Kiên Giang

 

Thống kê trên website

  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 158
  • Tháng hiện tại: 4374
  • Tổng lượt truy cập: 276381

Liên kết

Liên kết Website

+ Trường Mầm non:
+ Trường Tiểu học:
+ Trường Trung học cơ sở:
+ Trung Tâm học tập cộng đồng:

+ Liên kết Website Giáo dục & Đào tạo:
+ Liên kết Hệ thống Thư điện tử (Email):
+ Liên kết Chương trình quản lý trực tuyến:
+ Thư viện điện tử: